Diễn đàn của lớp CQ47/01.02
Để có thể đọc bài viết và bình luận, xin mời đăng nhập vào diễn đàn
Diễn đàn của lớp CQ47/01.02
Để có thể đọc bài viết và bình luận, xin mời đăng nhập vào diễn đàn
Diễn đàn của lớp CQ47/01.02
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Diễn đàn của lớp CQ47/01.02

K47/01.02-HVTC. We are one !!!
 
Trang ChínhTrang Chính  Nghe nhạc onlineNghe nhạc online  Latest imagesLatest images  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  
Mở chức năng Quick Reply, từ đây việc comment sẽ thuận tiện hơn
Mọi người chú ý đọc hướng dẫn ở đây

 

 Nhập môn Chứng khoán

Go down 
Tác giảThông điệp
quick_ct
..::Super Moderator::..
..::Super Moderator::..
quick_ct


Tổng số bài gửi : 151
Join date : 27/01/2010
Tuổi : 32
Đến từ : BG

Nhập môn Chứng khoán Empty
Bài gửiTiêu đề: Nhập môn Chứng khoán   Nhập môn Chứng khoán EmptyFri Jan 29, 2010 1:26 pm

Nhập môn Chứng khoán
Sự ra đời của thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh dấu bằng việc đưa vào vận hành Trung tâm giao dịch chứng khoán TP.Hồ Chí Minh vào ngày 20/07/2000.


Sự ra đời thị trường chứng khoán Việt Nam.

Để thực hiện mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển đòi hỏi trong nước phải có một nguồn vốn lớn để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nền kinh tế. Vì vậy, Việt Nam cần phải có chính sách huy động tối đa mọi nguồn lực tài chính trong và ngoài nước để chuyển các nguồn vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế thành nguồn vốn đầu tư và thị trường chứng khoán tất yếu sẽ ra đời vì nó giữ vai trò quan trọng đối với việc huy động vốn trung và dài hạn cho hoạt động kinh tế.

Nhận thức rõ việc xây dựng thị trường chứng khoán là một nhiệm vụ chiến lược có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tiến trình xây dựng và phát triển đất nước, trước yêu cầu đổi mới và phát triển kinh tế, phù hợp với các điều kiện kinh tế – chính trị và xã hội trong nước và xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, trên cơ sở tham khảo có chọn lọc các kinh nghiệm và mô hình thị trường chứng khoán trên thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam đã ra đời.

Sự ra đời của thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh dấu bằng việc đưa vào vận hành Trung tâm giao dịch chứng khoán TP.Hồ Chí Minh ngày 20/07/2000 và thực hiện phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 28/07/2000.

Tổng quan về thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thị trường chứng khoán là nơi diễn ra các hoạt động giao dịch mua bán chứng khoán. Việc mua bán này được tiến hành ở thị trường sơ cấp khi người mua mua được chứng khoán lần đầu từ những người phát hành, và ở những thị trường thứ cấp khi có sự mua đi bán lại các chứng khoán đã được phát hành ở thị trường sơ cấp.
1. Chức năng của thị trường chứng khoán Việt Nam
- TTCK là một kênh huy động vốn cho nền kinh tế;
- TTCK cung cấp môi trường đầu tư cho công chúng;
- TTCK tạo tính thanh khoản cho các chứng khoán;
- TTCK đánh giá hoạt động của các chủ thể phát hành chứng khoán;
- TTCK tạo môi trường giúp Chính phủ thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô.

2. Vai trò của thị trường chứng khoán Việt Nam
- TTCK là công cụ khuyến khích dân chúng tiết kiệm và thu hút mọi nguồn vốn nhàn rỗi vào đầu tư.
- TTCK là phương tiện huy động vốn.
- TTCK là công cụ làm giảm áp lực lạm phát.
- TTCK thúc đẩy các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả hơn.
- TTCK tạo thói quen về đầu tư.
- TTCK thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài.

3. Các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán

* Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN)

UBCKNN thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

* Sở Giao dịch chứng khoán

Sở giao dịch chứng khoán là cơ quan thực hiện vận hành thị trường và ban hành những quyết định điều chỉnh các hoạt động giao dịch chứng khoán trên Sở phù hợp với các quy định của luật pháp và UBCKNN.

* Trung tâm Giao dịch Chứng khoán (TTGDCK)

TTGDCK có chức năng tổ chức, quản lý, điều hành và giám sát hệ thống giao dịch và các hoạt động mua, bán chứng khoán trên thị trường.

* Công ty chứng khoán (CTCK)

CTCK là tổ chức tài chính trung gian thực hiện một hoặc một số nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán bao gồm: môi giới, tự doanh, bảo lãnh phát hành, lưu ký chứng khoán. Công ty chứng khoán Kim Long là công ty chứng khoán thứ 19 được cấp phép và hiện đang hoạt động trên Thị trường chứng khoán Việt Nam.

* Các tổ chức phát hành chứng khoán

Các tổ chức được phép phát hành chứng khoán ở Việt Nam gồm: Chính phủ, chính quyền địa phương, các công ty cổ phần, các quỹ đầu tư chứng khoán và công ty quản lý quỹ.

* Nhà đầu tư chứng khoán

Nhà đầu tư là những cá nhân hay tổ chức tham gia mua và bán chứng khoán trên thị trường chứng khoán. Các tổ chức đầu tư có thể là các công ty đầu tư, công ty bảo hiểm, công ty tài chính, ngân hàng thương mại và các công ty chứng khoán.

* Các tổ chức có liên quan khác

- Các ngân hàng thương mại;
- Hiệp hội các nhà kinh doanh chứng khoán;
- Các tổ chức tài trợ chứng khoán:

4. Các nguyên tắc hoạt động cơ bản của thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán hoạt động theo các nguyên tắc cơ bản sau:

Nguyên tắc cạnh tranh: giá cả trên thị trường phản ánh quan hệ cung cầu về chứng khoán và các đối tượng tham gia trên thị trường được cạnh tranh bình đẳng với nhau.

Nguyên tắc công bằng: mọi người tham gia thị trường đều phải tuân thủ những quy định chung, được bình đẳng trong việc chia xẻ thông tin.

Nguyên tắc công khai: công khai về hoạt động của tổ chức phát hành, giao dịch của các loại chứng khoán trên thị trường.

Nguyên tắc trung gian: mọi hoạt động mua bán chứng khoán đều phải thực hiện thông qua tổ chức trung gian là các công ty chứng khoán được phép hoạt động trên thị trường.

Nguyên tắc tập trung: mọi giao dịch đều tập trung tại Trung tâm giao dịch chứng khoán để đảm bảo việc hình thành giá cả trung thực, hợp lý.

5. Cấu trúc và phân loại cơ bản của thị trường chứng khoán

* Căn cứ vào sự luân chuyển các nguồn vốn

Thị trường chứng khoán được chia thành thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp.

Thị trường sơ cấp: là thị trường mua bán các chứng khoán mới phát hành. Trên thị trường này, vốn từ nhà đầu tư sẽ được chuyển sang nhà phát hành thông qua việc nhà đầu tư mua các chứng khoán mới phát hành.

Thị trường thứ cấp: là nơi giao dịch các chứng khoán đã được phát hành trên thị trường sơ cấp, đảm bảo tính thanh khoản cho các chứng khoán đã phát hành.

* Căn cứ vào phương thức hoạt động của thị trường

Thị trường chứng khoán được phân thành thị trường tập trung (Sở giao dịch chứng khoán) và phi tập trung (thị trường OTC).

* Căn cứ vào hàng hoá trên thị trường

Thị trường chứng khoán cũng có thể được phân thành các thị trường: thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu, thị trường các công cụ chứng khoán phái sinh.

Thị trường cổ phiếu: thị trường cổ phiếu là thị trường giao dịch và mua bán các loại cổ phiếu, bao gồm cổ phiếu thường, cổ phiếu ưu đãi.

Thị trường trái phiếu: thị trường trái phiếu là thị trường giao dịch và mua bán các trái phiếu đã được phát hành, các trái phiếu này bao gồm các trái phiếu công ty, trái phiếu đô thị và trái phiếu chính phủ.

Thị trường các chứng khoán phái sinh là thị trường phát hành và mua đi bán lại các chứng từ tài chính khác như: quyền mua cổ phiếu, chứng quyền, hợp đồng quyền chọn...
Thế nào là bản cáo bạch và cách đọc bản cao bạch
________________________________________
- Bản cáo bạch chính là một lời mời hay chào bán để công chúng đầu tư đăng ký hoặc mua chứng khoán của công ty phát hành. Bản cáo bạch bao gồm mọi thông tin liên quan đến đợt phát hành.
Thông tin đưa ra trong Bản cáo bạch sẽ gắn với các điều khoản thực hiện lời mời hay chào bán. Điều quan trọng đối với nhà đầu tư là phải đọc và hiểu rõ các điều khoản này trong Bản cáo bạch để có thể tự đánh giá những rủi ro và lợi ích khi đầu tư vào công ty.
Thông thường, một công ty muốn phát hành chứng khoán phải lập Bản cáo bạch để UBCKNN xem xét, gọi là Bản cáo bạch sơ bộ. Bản cáo bạch sơ bộ khi đã được Ủy ban chứng khoán chấp thuận sẽ được coi là Bản cáo bạch chính thức.
Còn khi thực hiện chào bán chứng khoán, ngoài Bản cáo bạch chính thức, công ty phát hành thường cung cấp Bản cáo bạch tóm tắt. Nội dung của Bản cáo bạch tóm tắt là tóm gọn lại những nội dung chính của Bản cáo bạch chính thức và nội dung, hình thức của Bản cáo bạch tóm tắt này vẫn phải đảm bảo tuân thủ theo các quy định của UBCKNN.
Do vậy, với tư cách là nhà đầu tư chứng khoán, bạn nên đọc Bản cáo bạch chính thức bởi vì nó cung cấp cho bạn một cách đầy đủ nhất các thông tin về công ty phát hành. Còn nếu bạn là nhà đầu tư không chuyên, ít nhất bạn cũng nên tìm đọc Bản cáo bạch tóm tắt bởi tuy chỉ đưa ra nội dung tóm tắt nhưng nó cũng có đầy đủ các thông tin cô đọng về công ty phát hành, đủ để bạn ra quyết định có đầu tư hay không.
Tại sao cần phải đọc bản cáo bạch?
Bản cáo bạch là một tài liệu rất quan trọng. Đối với bạn, với tư cách là một nhà đầu tư, Bản báo bạch là phương tiện giúp bạn đánh giá mức độ sinh lời và triển vọng của công ty trước khi bạn quyết định có đầu tư vào công ty hay không. Một quyết định thiếu thông tin có thể làm bạn phải trả giá đắt.
Bởi vậy, bạn nên đọc Bản cáo bạch một cách kỹ lưỡng và tìm hiểu rõ những may rủi thực sự của công ty trước khi ra quyết định đầu tư. Bạn nên đánh giá cẩn thận những yếu tố cơ bản của công ty đăng ký niêm yết thông qua nghiên cứuBản cáo bạch bao gồm những thông tin gì?
Bản cáo bạch thường gồm 8 mục chính sau:
- Trang bìa;
- Tóm tắt Bản cáo bạch;
- Các nhân tố rủi ro;
- Các khái niệm;
- Chứng khoán phát hành;
- Các đối tác liên quan tới đợt phát hành;
- Tình hình và đặc điểm của tổ chức phát hành;
- Phụ lục.
Cách sử dụng bản cáo bạch
Bạn nên bắt đầu phân tích một công ty phát hành bằng Bản cáo bạch của công ty. Trong quá trình thực hiện bạn nên tự đặt ra cho mình một số câu hỏi quan trọng: Ví dụ, việc kinh doanh của công ty đó có tiến triển hay không? Doanh số bán hàng tăng có nghĩa là lợi nhuận cũng tăng và dẫn tới giá cổ phiếu tăng, nhưng các con số chưa phải nói lên tất cả? Do vậy, bạn nên nghiên cứu kỹ Bản cáo bạch để tìm ra những dấu hiệu tăng trưởng của công ty.
Bạn cũng nên tìm hiểu về Ban giám đốc của công ty phát hành, các sản phẩm của công ty và tự đặt ra câu hỏi liệu các sản phẩm này có tiếp tục bán được nữa không?
Những thông tin cần xem
- Trang bìa (mặt trước và mặt sau);
- Thời gian chào bán;
- Các khái niệm;
Tình hình và đặc điểm của tổ chức phát hành;
- Bảng mục lục;
- Tóm tắt Bản cáo bạch;
-Tóm tắt về vốn cổ phần, thống kê sô liệu phát hành / chào bán, số nợ và phương án sử dụng
tiền thu được từ đợt phát hành;
- Chứng khoán phát hành;
- Thông tin về ngành kinh doanh;
- Thông tin tài chính;
- Thông tin về cổ đông, Hội đồng quản trị và Ban giám đốc;
- Các đối tác liên quan tới đợt phát hành;
- Các nhân tố rủi ro liên quan đến ngành kinh doanh và triển vọng của công ty;
- Phụ lục;
- Thủ tục nộp hồ sơ và chấp thuận.
Thông tin chính của trang bìa
- Các chứng khoán sẽ được bán;
- Số lượng chứng khoán sẽ được bán;
- Giá bán các chứng khoán;
-Tổ chức liên quan đến đợt phát hành.
Tóm tắt bản cáo bạch
Phần này giúp bạn tìm hiểu khái quát những thông tin tóm tắt về công ty.
- Giới thiệu chung về công ty phát hành, các hoạt động kinh doanh, người hỗ trợ phát hành, các cổ đông lớn và Ban giám đốc của công ty;
- Tóm tắt về thông tin tài chính của công ty phát hành, kể cả triển vọng của công ty;
- Tóm tắt về các yếu tố rủi ro liên quan hoặc ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh và tài chính của công ty phát hành;
- Tóm tắt về vốn cổ phần, thống kê phát hành hoặc chào bán, số nợ, số tiền thu được từ đợt phát hành và mục đích sử dụng số tiền này.
Ngoài ra bạn nên đối chiếu với các phần tương ứng khác trong Bản cáo bạch để có được các thông tin chi tiết mà bạn cần quan tâm.
Thông tin về ngành kinh doanh - công ty đang có những hoạt động kinh doanh gì?
Thông tin đưa ra thường bao gồm:
- Tình hình (các) ngành kinh doanh chính mà công ty phát hành tham gia;
- Triển vọng của (các) ngành liên quan có ảnh hưởng tới hoạt động ngành kinh doanh chính của công ty phát hành;
- Loại sản phẩm, dịch vụ kinh doanh chính của công ty;
- Khách hàng và nhà cung cấp của công ty phát hành;
- Công nghệ, phương thức sản xuất và kênh phân phối sử dụng;
- Các nhân tố thương mại như hệ thống bán lẻ, đại lý, hệ thống phân phối, nhãn hiệu sản phẩm, giấy phép kinh doanh, bằng sáng chế và khả năng nghiên cứu và phát triển.
Đối với các công ty đăng ký niêm yết được hưởng chính sách ưu đãi thì phần thông tin về ngành kinh doanh này trong Bản cáo bạch cũng cần phải công bố chi tiết các vấn đề về công nghệ của những công ty này.
Thông tin tài chính công chúng đầu tư tham gia có làm lợi nhuận giảm?
Thông tin tài chính là một phần quan trọng trong Bản cáo bạch và thường được chia thành 2 phần:
- Thông tin tài chính trong quá khứ;
- Thông tin tài chính trong tương lai.
Phần thông tin tài chính trong quá khứ : Thường bao gồm tóm tắt các bản báo cáo tài chính đã được kiểm toán, và bảng cân đối kế toán (trên cơ sở tổng hợp) theo mẫu, được trích ra từ Báo cáo của kiểm toán trong phần phụ lục của Bản cáo bạch.
Một số ngành kinh doanh còn yêu cầu cung cấp cả thông tin về luồng thu nhập. Việc công bố thông tin tài chính trong quá khứ thường được tính từ 2 năm tài chính trước. Thông tin phải đi kèm với phần giải thích và phân tích hoạt động tài chính trong quá khứ.
Nếu có bất cứ một sai sót nào trong các thông tin tài chính được công bố mà Uỷ ban Chứng khoán phát hiện được thì tổ chức kiểm toán cũng như tổ chức bảo lãnh phát hành phải chịu trách nhiệm liên đới trước pháp luật cùng với tổ chức phát hành.
Phần thông tin tài chính tương lai: Gồm các dự tính về:
- Doanh thu;
- Lợi nhuận trước thuế trước và sau khi tính lãi cho cổ đông thiểu số ngoài công ty;
- Lợi nhuận sau thuế;
- Tổng cổ tức và cổ tức ròng.
Từ dự tính về lợi nhuận và giá chào bán cổ phiếu của công ty phát hành, bạn có thể tính ra các mức giá thị trường của một cổ phiếu tính theo thu nhập trên mỗi cổ phiếu trong năm của công ty phát hành (được ký hiệu là P /E).
Hệ số này cho thấy khi nào thì giá cổ phiếu phù hợp với thu nhập. Tức là các công ty có nhiều cơ hội tăng trưởng thường có P /E cao hơn các công ty có ít cơ hội tăng truởng. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý trường hợp P /E cao có thể là do mức thu nhập (E) thấp. Căn cứ vào hệ số P /E, cùng với sự phân tích về mặt chất lượng của công ty phát hành, bạn có thể đánh giá đợt phát hành, chào bán cổ phiếu của công ty so với các mức cổ phiếu đã được niêm yết của các công ty trong cùng ngành.
Cổ đông, Hội đồng quản trị và Ban giám đốc - những ai là người điều hành đợt phát hành
Bạn nên đọc danh sách các cổ đông, Hội đồng quản trị và Ban giám đốc. Mặc dù các dữ liệu đưa ra không phải là con dấu đảm bảo về chất lượng kỹ năng quản lý của họ, nhưng bạn vẫn có thể biết được trình độ chuyên môn và kinh nghiệm quản lý của những con người này.
Bạn cần chú ý các quyền lợi của các cổ đông lớn, Hội đồng quản trị và đội ngũ lãnh đạo chủ chốt trong các ngành tương tự hoặc các ngành cạnh tranh nếu chúng được nêu trong Bản cáo bạch. Bạn cũng nên chú ý các giao dịch trong quá khứ hoặc trong tương lai với các công ty liên quan. Bản cáo bạch sẽ cung cấp đầy đủ các nhóm thành viên sau:
- Cổ đông lớn và các nhà sáng lập của công ty phát hành, kể cả tên và cổ phần của các cá nhân đứng đằng sau công ty;
- Hội đồng quản trị bao gồm cổ phần mà họ đại diện, chi tiết về trình độ, kinh nghiệm và phần trách nhiệm của mỗi giám đốc, và họ có phải là các giám đốc điều hành hay không;
- Đội ngũ cán bộ quản lý dưới cấp uỷ viên Hội đồng quản trị, chi tiết về trình độ, kinh nghiệm và phần trách nhiệm của họ;
- Tỷ lệ sở hữu cổ phiếu, trái phiếu của từng thành viên nói trên.
Các yếu tố rủi ro
Các rủi ro chung bao gồm:
- Việc tăng, giảm giá chứng khoán phụ thuộc vào các điều kiện của thị trường chứng khoán nói chung, của tình trạng kinh tế đất nước và thế giới;
- Những thay đổi trong chính sách của Chính phủ;
- Những rủi ro về ngoại hối;
- Những thay đổi về tỷ lệ lãi suất;
Những rủi ro có thể xảy ra của công ty bao gồm:
- Sự phụ thuộc vào những cán bộ chủ chốt;
- Sự phụ thuộc vào một số ít các khách hàng, nhà cung cấp hoặc các dự án trong nội bộ công ty;
- Những thay đổi về giá nguyên liệu thô;
- Sự hợp nhất giữa các đối thủ cạnh tranh hoặc các công ty mới tham gia vào ngành;
- Tranh chấp cụ thể đã bắt đầu phát sinh hoặc bị mang ra toà.
Trong phần này bạn cần tìm hiểu xem Hội đồng quản trị của công ty định giải quyết hoặc làm giảm ảnh hưởng của các nhân tố rủi ro các thông tin trong Bản cáo bạch.

Giá tham chiếu
________________________________________
Giá tham chiếu là giá đóng cửa (giá thực hiện của lần khớp lệnh cuối cùng) của ngày giao dịch trước đó và là cơ sở để xác định giá trần, giá sàn của ngày giao dịch hiện tại. Trong quá trình theo dõi và tham gia thị trường, thỉnh thoảng người đầu tư nhận thấy Trung tâm Giao dịch Chứng khoán không lấy giá đóng cửa của một cổ phiếu nào đó trong phiên giao dịch trước đó làm giá tham chiếu cho cổ phiếu này trong ngày giao dịch tiếp theo như thường lệ. Đó là ở trường hợp ở những phiên giao dịch người đầu tư giao dịch không được nhận cổ tức bằng tiền, không được nhận thưởng bằng tiền, ngày giao dịch không được hưởng quyền mua cổ phiếu mới trong đợt phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn hay trong ngày giao dịch không được hưởng phần phát thưởng bằng cổ phiếu, ngày giao dịch không được hưởng cổ tức bằng cổ phiếu hoặc tổ hợp nào đó của các yếu tố trên. Trong đó, ngày giao dịch không hưởng cổ tức (ex-dividend date) là ngày mà nếu cổ phiếu được giao dịch (mua/bán) vào ngày đó thì người mua (người sở hữu) sẽ không được hưởng cổ tức. Cổ tức sẽ được trả cho người có tên trong danh sách hưởng cổ tức sở hữu cổ phiếu đó được lập vào ngày đăng ký (record date) cuối cùng.
Những trường hợp nêu trên có tác động lớn đến việc tính toán giá tham chiếu của Trung tâm giao dịch chứng khoán, để hiểu rõ hơn ta có thể xem một ví dụ về việc phát hành thêm cổ phiếu để huy động thêm vốn phát triển sản xuất của Công ty cổ phần giấy Hải phòng (Haphaco). Công ty này đã phát hành tăng vốn lên gấp đôi, từ hơn 10 tỷ đồng lên hơn 20 tỷ để xây dựng một dây chuyền sản xuất giấy Craft. Và cứ mỗi cổ phiếu sở hữu nhận được một quyền mua một cổ phiếu trong đợt phát hành mới. Tại đây đã xuất hiện nhu cầu về định giá chứng khoán phái sinh là quyền mua cổ phiếu và làm cơ sở để định giá bán cổ phiếu cho người có quyền. Trong thời gian đó, giá cổ phiếu Haphaco đang ở mức cao trên 60-70 ngàn đồng/cổ phiếu và thị trường đang có xu hướng suy giảm. Công ty đã xác định giá bán cho người có quyền là 50, sau đó là 40 và cuối cùng là 32 ngàn đồng/cổ phiếu trong đợt phát hành mới khi giá cổ phiếu này trên thị trường giảm xuống trên dưới 50 ngàn đồng. Và trên thực tế đã xuất hiện ngày giao dịch không hưởng quyền mua cổ phiếu này và Trung tâm giao dịch đã điều chỉnh giá tham chiếu theo công thức quy định.
Tại Khoản 3, Điều 49 của Quy chế thành viên, niêm yết, công bố thông tin và giao dịch chứng khoán ban hành kèm theo Quyết định số 79/2000/QĐ -UBCK của Chủ tịch UBCKNN ngày 29/12/2000 quy định Giá tham chiếu được xác định như sau:
a. Giá tham chiếu của cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư và trái phiếu đang giao dịch bình thường là giá đóng cửa của ngày giao dịch trước đó.
b. Trường hợp chứng khoán mới được niêm yết, trong ngày giao dịch đầu tiên Trung tâm giao dịch nhận lệnh giao dịch không giới hạn biên độ dao động giá và lấy giá đóng cửa của ngày giao dịch làm giá tham chiếu. Biên độ dao động giá được áp dụng từ ngày giao dịch kế tiếp.
c. Trường hợp chứng khoán thuộc diện bị kiểm soát, chứng khoán không còn thuộc diện bị kiểm soát, chứng khoán bị ngừng giao dịch trên 30 ngày, thì giá tham chiếu được xác định tương tự quy định tại điểm b.
d. Trường hợp giao dịch chứng khoán không được hưởng các quyền kèm theo, giá tham chiếu được xác định theo nguyên tắc lấy giá đóng cửa của ngày giao dịch gần nhất điều chỉnh theo giá trị của các quyền kèm theo:
- Giá tham chiếu (Ptc) của cổ phiếu trong ngày giao dịch không hưởng cổ tức được tính theo công thức:
Ptc = Giá đóng cửa phiên giao dịch trước đó – giá trị cổ tức
- Giá tham chiếu của cổ phiếu (Ptc) trong ngày giao dịch không hưởng phần chia lãi bằng tiền:
Ptc = Giá đóng cửa phiên giao dịch trước đó – giá trị tiền thưởng
- Giá tham chiếu của cổ phiếu trong trường hợp phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn: Trong trường hợp này giá tham chiếu của cổ phiếu ngày không hưởng quyền mua cổ phiếu mới (Ptc) được tính theo công thức:
PR (t-1) + (I x PR )
Ptc = -----------------------
1+ I
Trong đó:
• Ptc: là giá tham chiếu cổ phiếu trong ngày giao dịch không hưởng quyền mua cổ phiếu trong đợt phát hành mới để tăng vốn, đây là giá cần xác định
• PR(t-1): là giá chứng khoán phiên trước phiên giao dịch không hưởng quyền.
• I: là tỷ lệ vốn tăng
• PR: là giá cổ phiếu sẽ bán cho người nắm giữ quyền mua cổ phiếu trong đợt phát hành mới.
e. Trường hợp tách gộp cổ phiếu, giá tham chiếu sau khi tách gộp được xác định theo nguyên tắc lấy giá đóng cửa của ngày giao dịch trước ngày tách gộp điều chỉnh theo tỷ lệ tách gộp cổ phiếu.
f. Trong một số trường hợp cần thiết, Trung tâm giao dịch có thể áp dụng phương pháp xác định giá tham chiếu khác sau khi có sự chấp thuận của Chủ tịch UBCKNN.

HƯỚng dẪn ĐỌc thÔng tin trÊn bẢng giao dỊch trỰc tuyẾn
________________________________________
Ý nghĩa của các chữ số màu xanh, vàng đỏ:
+ Màu xanh: Biểu tượng cho sự thay đổi tăng giá
+ Màu đỏ: Biểu tượng cho sự thay đổi giảm giá
+ Màu vàng: Biểu tượng cho sự đứng giá (không thay đổi)
+ Màu tím: Biểu tượng cho sự tăng giá kịch trần
Các thông tin cơ bản được thể hiện trong bảng điện tử:
- Cột mã chứng khoán: Là mã hiệu (tên viết tắt) của chứng khoán được đăng ký và niêm yết tại Trung tâm giao dịch chứng khoán (TTGDCK).
- Cột giá tham chiếu: Là giá đóng cửa của ngày giao dịch trước đó và là cơ sở để xác định giá trần, giá sàn của ngày giao dịch hiện tại.
- Cột giá trần: Là mức giá cao nhất mà nhà đầu tư có thể đặt lệnh mua, bán chứng khoán.
+ Trên TTGDCK TP HCM: Giá trần = Giá tham chiếu + 5% *Giá tham chiếu
+ Trên TTGDCK Hà Nội: Giá trần = Giá tham chiếu + 10% * Giá tham chiếu
-Cột giá sàn: Là mức giá thấp nhất mà nhà đầu tư có thể đặt lệnh mua, bán CK.
+ Trên TTGDCK TP HCM: Giá sàn = Giá tham chiếu - 5% * Giá tham chiếu
+ Trên TTGDCK Hà Nội: Giá sàn = Giá tham chiếu - 10% * Giá tham chiếu
- Cột giá mở cửa: Là mức giá thực hiện đầu tiên trong ngày giao dịch.
- Cột giá đóng cửa: Là mức giá thực hiện cuối cùng trong ngày giao dịch.
- Cột giá khớp lệnh: Là mức giá tại đó khối lượng CK được giao dịch nhiều nhất.
- Cột khối lượng khớp lệnh: Là khối lượng CK được thực hiện tại mức giá khớp lệnh.
- Cột chênh lệch (+/-): Là thay đổi của mức giá hiện tại so với giá tham chiếu trong ngày giao dịch (= giá hiện tại – giá tham chiếu)
- Cột mua: gồm 6 cột biểu thị cho 3 mức giá đặt mua cao nhất tương ứng với các khối lượng đặt mua tại các mức giá cao nhất đó. Khi kết thúc phiên giao dịch Bảng điện tử sẽ hiện thị các thông tin về khối lượng CK tương ứng với các mức giá chưa được khớp lệnh (dư mua)
- Cột bán: gồm 6 cột biểu thị cho 3 mức giá đặt bán thấp nhất tương ứng với các khối lượng đặt bán tại các mức giá thấp nhất đó. Khi kết thúc phiên giao dịch Bảng điện tử sẽ hiện thị các thông tin về khối lượng CK tương ứng với các mức giá chưa được khớp lệnh (dư bán

Phân tích cơ bản và phân tích kĩ thuật
________________________________________
Phân tích chứng khoán là nhu cầu không thể thiếu trong đầu tư chứng khoán. Tùy theo khả năng trình độ, thời gian cũng như nhu cầu sử dụng, có thể có rất nhiều cách tiếp cận nghiên cứu, phân tích và ra các quyết định đầu tư khác nhau đối với từng chứng khoán riêng lẻ hoặc đối với cả danh mục đầu tư nói chung.

Cổ phiếu là một loại chứng khoán chủ yếu cần phân tích phục vụ đầu tư. Đến nay người ta đã tổng kết lại rằng có hai phương pháp phân tích đã được sử dụng một cách phổ biến tại hầu hết các thị trường chứng khoán (TTCK) trên thế giới, đó là phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật. Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư còn nhầm lẫn về vai trò cũng như ứng dụng thực tiễn của hai phương pháp này. Vì vậy, việc hiểu rõ bản chất của hai phương pháp là cần thiết.

Phân tích cơ bản (Fundamental Analysis)

due4.jpgLà phương pháp phân tích cổ phiếu dựa vào các nhân tố mang tính chất nền tảng có tác động hoặc dẫn tới sự thay đổi giá cả của cổ phiếu nhằm chỉ ra giá trị nội tại (intrinsic value) của cổ phiếu trên thị trường.

Các nhân tố cơ bản cần nghiên cứu bao gồm: phân tích thông tin cơ bản về công ty; phân tích báo cáo tài chính của công ty; phân tích hoạt động kinh doanh của công ty; phân tích ngành mà công ty đang hoạt động; và phân tích các điều kiện kinh tế vĩ mô ảnh hưởng chung đến giá cả cổ phiếu. Sau khi nghiên cứu, nhà phân tích có nhiệm vụ phải chỉ ra được những dự đoán cho những chỉ tiêu quan trọng như thu nhập kỳ vọng, giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu, giá trị hợp lý của cổ phiếu, các đánh giá quan trọng cũng như khuyến nghị mua/bán cổ phiếu trên thị trường.

Cụ thể, các nhân tố cần chú trọng trong phân tích cơ bản về cổ phiếu là:

* Hoạt động kinh doanh của công ty
* Mục tiêu và nhiệm vụ của công ty
* Khả năng lợi nhuận (hiện tại và ước đoán)
* Nhu cầu đối với sản phẩm và dịch vụ của công ty
* Sức ép cạnh tranh và chính sách giá cả
* Kết quả sản xuất kinh doanh theo thời gian
* Kết quả SXKD so sánh với công ty tương tự và với thị trường
* Vị thế trong ngành
* Chất lượng quản lý

Ở góc độ tổng quát, phân tích cơ bản có thể được sử dụng theo phương pháp phân tích từ nhân tố vĩ mô đến nhân tố vi mô có ảnh hưởng đến cổ phiếu (thường gọi là phương pháp top-down) gồm 5 cấp độ như sau:

* Phân tích các điều kiện kinh tế vĩ mô
* Phân tích thị trường tài chính - chứng khoán
* Phân tích ngành mà công ty đang hoạt động
* Phân tích công ty
* Phân tích cổ phiếu

Trong thực tế, tùy vào mục tiêu và khả năng phân tích mà nhà phân tích có thể sử dụng một trong năm mức độ phân tích nêu trên. Ví dụ, trong phân tích về công ty, ta có thể sử dụng phương pháp phân tích phi tài chính; đó là đánh giá về bộ máy quản lý doanh nghiệp, về nguồn nhân lực, khả năng phát triển sản phẩm mới, thị trường và thị phần, khả năng cạnh tranh... Cũng trong phân tích công ty, nhà phân tích có thể sử dụng cách tiếp cận thường được gọi là phương pháp SWOT, với việc xác định và đánh giá tập trung vào 04 khía cạnh sau của công ty:

* Điểm mạnh (Strengths)
* Điểm yếu (Weaknesses)
* Cơ hội (Opportunities)
* Thách thức (Threats)

Một cách phân tích nhanh về cổ phiếu, nhà đầu tư có thể phân loại cổ phiếu thành 06 loại cơ bản dựa trên tính chất thu nhập mà nó mang lại là: cổ phiếu hàng đầu (blue-chips), cổ phiếu tăng trưởng (ổn định và bùng nổ), cổ phiếu phòng vệ, cổ phiếu chu kỳ, cổ phiếu thời vụ.

Riêng trong mức độ cốt lõi nhất và cũng khó khăn nhất là phân tích cổ phiếu, bản chất của phương pháp phân tích cơ bản ở đây là việc định giá cổ phiếu nhằm dự đoán giá trị nội tại của cổ phiếu đó. Với mục tiêu này, thông thường có 05 phương pháp định giá cổ phiếu là:

* Phương pháp định giá dựa trên luồng cổ tức
* Phương pháp định giá dựa trên luồng tiền
* Phương pháp định giá dựa trên hệ số P/E
* Phương pháp dựa trên các hệ số tài chính
* Phương pháp định giá dựa trên tài sản ròng.

Phân tích kỹ thuật (Technical Analysis)

Là phương pháp dựa vào biểu đồ, đồ thị diễn biến giá cả và khối lượng giao dịch của cổ phiếu nhằm phân tích các biến động cung cầu đối với cổ phiếu để chỉ ra cách ứng xử trước mắt đối với giá cả, tức là chỉ cho nhà phân tích thời điểm nên mua vào, bán ra hay giữ nguyên cổ phiếu trên thị trường.

Vì vậy, nhà phân tích kỹ thuật chủ yếu dựa vào nghiên cứu biến động giá thị trường của cổ phiếu, và tập trung nhấn mạnh vào hành vi biến động về giá và về khối lượng giao dịch cũng như các xu hướng của hành vi giá và khối lượng đó.

Để thực hiện được phân tích kỹ thuật, cần có các giả định mấu chốt là:

* Hành vi của bất kỳ cổ phiếu nào, hoặc của cả thị trường cổ phiếu, đều có thể liên quan đến xu hướng diễn biến theo thời gian, trong đó xu hướng là phương hướng chính đi lên hay đi xuống của cổ phiếu (hoặc cả thị trường cổ phiếu)
* Biến động giá không phải là ngẫu nhiên mà chúng xảy ra dưới các dạng thức có thể được phân tích để dự đoán biến động tương lai
* Biến động thị trường được phản ánh tất cả trong giá cổ phiếu
* Lịch sử được lặp lại do bản chất của con người (nhà đầu tư) là không đổi nên sẽ lặp lại những hành vi giống nhau trước những tình huống tương tự, và điều đó dẫn đến các xu hướng giá cả lặp lại.

Để thực hiện phân tích kỹ thuật, nhà đầu tư phải dựa vào hình ảnh các đồ thị, trong đó trục tung biểu thị giá cổ phiếu và trục hoành biểu thị đường thời gian, với nhiều dạng như đồ thị đường thẳng (line chart), đồ thị dạng vạch (bar chart), hoặc đồ thị hình nến (candlestick chart). Thông qua đó, nhà phân tích kỹ thuật sử dụng các chỉ báo phân tích kỹ thuật thông dụng như đường xu thế, kênh xu thế, mức hỗ trợ, mức kháng cự, điểm đột phá, đường trung bình động, chỉ số sức mạnh tương đối, dải Bollinger...

Các phương pháp và công cụ phân tích kỹ thuật được phát triển và trở nên thịnh hành chỉ từ đầu thế kỷ trước với sự nổi bật của lý thuyết Dow (của ông Charles Dow) với các ý tưởng phân tích được đăng tải lần đầu tiên trên tạp chí Wall Street Journal. Lý thuyết Dow đến nay vẫn được coi là nền tảng cho phương pháp phân tích kỹ thuật với các chỉ báo quan trọng nhất.

So sánh hai phương pháp

Phân tích cơ bản như nêu trên hoàn toàn dựa vào các yếu tố đầu vào và khả năng phân tích mang tính chủ quan. Vì vậy, cùng một cổ phiếu có thể có nhiều kết quả nhận định và phân tích khác nhau, và phân tích cơ bản thường được coi là bỏ qua yếu tố tâm lý đầu tư. Tuy nhiên, phân tích cơ bản là phương pháp hàng đầu và không thể thiếu được trong phân tích đầu tư cổ phiếu và làm cơ sở tương đối vững chắc cho việc ra các quyết định đầu tư. Có khoảng 90% các nhà đầu tư sử dụng phân tích cơ bản (Arshad Khan và Vaqar Zuberi, 1999, Stock Investing for Everyone, trang 85). Chính vì vậy mà các chương trình đào tạo nổi tiếng thế giới về phân tích đầu tư là CFA (Chartered Financial Analyst - thông dụng ở Mỹ) và CIIA (Certified International Investment Analyst - thông dụng ở châu Âu) cũng hoàn toàn chứa các nội dung phục vụ cho phân tích cơ bản và không bao gồm nội dung phân tích kỹ thuật.

tokyo-stock-market.jpgVề phía phân tích kỹ thuật, do phương pháp này dựa vào diễn biến hành vi của cổ phiếu, nên đó là những công cụ ngắn hạn và không nên được dùng cho phân tích dài hạn. Tuy nhiên, phân tích kỹ thuật cũng thu hút được một số lượng đáng kể nhà đầu tư tin dùng. Ở nhiều nước, các nhà phân tích theo trường phái phân tích kỹ thuật thường hội tụ trong Hiệp hội các nhà phân tích kỹ thuật thị trường (Market Technicians Association) và cũng tổ chức các kỳ thi chuẩn hóa phân tích kỹ thuật theo các chương trình được gọi tên là CMT (Chartered Market Technician)
Một số học giả cho rằng, phân tích cơ bản nghiên cứu các nguyên nhân dẫn tới biến động giá cổ phiếu trên thị trường để trả lời câu hỏi “tại sao xảy ra và xảy ra điều gì trong giá cổ phiếu”, còn phân tích kỹ thuật nghiên cứu các hiệu ứng của nó để trả lời câu hỏi “khi nào thay đổi giá cổ phiếu sẽ bắt đầu và khi nào kết thúc”. Nói cách khác, nhà phân tích kỹ thuật chỉ cần biết hiệu ứng là gì mà không cần quan tâm tới nguyên nhân tại sao lại dẫn tới tình hình đó; còn nhà phân tích cơ bản phải luôn cần phải biết nguyên nhân tại sao. (John J. Murphy, 1999, Technical Analysis of the Financial Markets, trang 5)

Dưới góc độ đầu tư, việc kết hợp cả hai phương pháp phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật dường như có thể đem lại những kết quả phối hợp tốt nhất. Điều đó đòi hỏi sự thời gian, sự am hiểu và trình độ phân tích đáng kể của nhà đầu tư và đó là một công việc không thực sự dễ dàng.
Về Đầu Trang Go down
 
Nhập môn Chứng khoán
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» "Crash Profits - Make Money When Stocks Sink and Soar !" - Kiếm tiền khi chứng khoán lên và xuống

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Diễn đàn của lớp CQ47/01.02 :: Học Tập :: Thư viện-
Chuyển đến